Trước công nguyên vào khoảng 300 năm, ở Quỳnh Lộc và cả vùng Đông Bắc Quỳnh Lưu đã có người sinh sống. Bộ phận cư dân có mặt sớm nhất ở Quỳnh Lộc là kẻ Sòi, Cái nôi của kẻ Sòi là dải sườn đồi phía nam Núi Sòi. Núi Sòi là hòn “núi sót” nổi lên giữa dải đất bằng phẳng. Phía trước mặt là vùng biển cũ đang trong quá trình bồi tụ, sát bờ biển là sông ngòi, đầm lầy và các bãi sú vẹt. Phía sau và bên biển là sông ngòi, đầm lầy các bãi sú vẹt. Phía sau và bên phải, bên trái là đồi núi hoang sơ. Thấy đây là thắng cảnh trong vùng, có điều kiện trồng trọt, chăn nuôi, săn bắt (kể cả muông thú và chim cá) nên người dân cổ sơ đã chọn làm địa bàn cư trú.
Vào cuối thời Hùng Vương, những làng xóm định cư dựa trên cơ sở công xã nông thôn, sau này được gọi là làng, xã nhưng tên gọi cổ hơn là kẻ, cha, chiềng… Tiếng kẻ thường đi liền với tên nôm của làng như Kẻ Mơ, kẻ Càn, kẻ Sòi …
Quỳnh Lộc bao gồm các làng Hải Lệ (kẻ Sòi và kẻ Trẹ), Hải Đà (Hói Già), làng Đông Lý, làng Đông Liên (Làng sen) và làng Vĩnh Lộc (Làng dọc), sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, các thôn trên đã cùng với làng Hữu Lập và hai Làng Đông Hồi (thượng, hạ) hợp với nhau lập ra xã Duy Tân, sau đó đổi là Hữu Lộc. Năm 1955 xã Hữu Lộc được chia thành xã Quỳnh Lộc và xã Quỳnh Lập. Xã Quỳnh Lộc bao gồm làng Hải Lệ, xóm Tân An, xóm Đồng Quanh (Thuộc Dị Nậu), xóm Dị Lệ, làng Đông Lý và làng Vĩnh Lộc. Tên gọi xã Quỳnh Lộc ổn định từ đó đến nay.