Trang thông tin điện tử xã Quỳnh Lộc

https://quynhloc.gov.vn


Công tác Dân vận của Cấp ủy, chính quyền trong tình hình mới

Công tác Dân vận của Cấp ủy, chính quyền trong tình hình mới
Tư tưởng của Chỉ tịch Hồ Chí Minh về dân vận được thể hiện sâu sắc trong bài báo “Dân vận” do Người viết và đăng trên báo “Sự thật” ngày 15/10/1949. Trong đó thể hiện rõ quan niệm của Người về dân vận cũng như những yêu cầu cụ thể của quá trình thực hiện công tác dân vận như: Vai trò của nhân dân; lực lượng làm dân vận; phương thức dân vận; tầm quan trọng của công tác dân vận. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra khái niệm “Dân vận” trong Bài báo “Dân vận” đăng trên báo Sự thật ngày 15/10/1949: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể giao cho”. Trong mục thứ III của bài báo “Dân vận”: “Ai phụ trách dân vận?”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ lực lượng làm công tác dân vận là: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt Việt Minh, v.v.) đều phải phụ trách Dân vận”. Như vậy, lực lượng làm công tác dân vận không chỉ là những người chuyên trách công tác này, mà là rất đông đảo các tổ chức, cá nhân cùng tham gia; theo đó, “những hội viên các đoàn thể thì phải xung phong thi đua làm để làm kiểu mẫu cho dân, giúp dân làm”. Lực lượng thực hiện công tác vận động nhân dân là đảng viên, là cán bộ chính quyền, là cán bộ Mặt trận, đoàn thể… thuộc hệ thống chính trị. Đội ngũ làm công tác dân vận theo Người phải bàn bạc, phân công nhiệm vụ từ đó triển khai thực hiện tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu chủ trương, chính sách, các nhiệm vụ cần thực hiện, cách thức triển khai các nhiệm vụ đó. Trong mục thứ IV, “Dân vận phải thế nào” Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc.”.  Óc nghĩ: Công tác dân vận không chỉ là những thao tác cụ thể, những công thức có sẵn mà bản thân nó là một khoa học (khoa học về con người)một nghệ thuật (nghệ thuật tiếp cận và vận động con người), phải dày công tìm tòi suy nghĩ để phân tích chính xác tình hình nhân dân, vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn sinh động để vận động nhân dân có hiệu quả. Mắt trông: Là quan sát mọi sự việc, hiện tượng từ thực tiễn phong trào cách mạng của quần chúng vì “trăm nghe không bằng một thấy”. Quan sát, kết hợp với “óc nghĩ” xác định được đúng, sai, nhận rõ bản chất và hiện tựợng của từng sự việc, từng vấn đề để làm đúng, tham mưu kịp thời cho Đảng và Nhà nước để có cách giải pháp đúng đắn kịp thời đưa phong trào của quần chúng đi đúng hướng. Tai nghe: Nắm bắt kịp thời các thông tin từ quần chúng thông qua nghe dân nói, từ đó mà hiểu được những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của dân; loại trừ những thông tin thiếu chân thực, chính xác. Chân đi: Là yêu cầu gắn với cơ sở, một đòi hỏi bức thiết, luôn đặt ra đối với cán bộ dân vận. Phải dành thời gian đi cơ sở để khảo sát tình hình thực tế, lắng nghe ý kiến của dân và trực tiếp tháo gỡ những khó khăn nẩy sinh trong dân. Miệng nói: Là thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, nhất là tuyên tuyền miệngmột hình thức tuyên truyền không thể thiếu của người làm công tác dân vận. Nói với với dân phải đơn giản, rõ ràng, thiết thực và cụ thể, tránh mệnh lệnh, hơn thế, còn phải có thái độ mềm mỏng; đối với người già, các bậc lão thành phải cung kính, lễ độ, với đồng chí, đồng bào phải đúng mực, nghiêm trang, với nhi đồng phải thương yêu, quý mến. Tay làm: Là thể hiện quan niệm học đi đôi với hành, là gương mẫu, làm gương trước cho quần chúng. Nếu nói là để dân nghe, thì làm là để dân thấy, dân tin, dân học làm theo. Lời nói đi đôi với hành động là một yêu cầu, một phương pháp hết sức quan trọng đối với cán bộ nói chung, cán bộ làm công tác dân vận nói riêng. Từ đó Người kết luận: “Khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận. Cử ra một ban hoặc vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận. Đó là sai lầm rất to, rất có hại. Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công.” Công tác dân vận là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, nhiệm vụ tiên quyết của Đảng. Muốn thực hiện thành công sự nghiệp cách mạng thì phải làm dân vận trước một bước bởi vì lực lượng của dân là sức mạnh to lớn, vận động và huy động được lực lượng đó thì bất kỳ nhiệm vụ khó khăn nào cũng tất thắng lợi.
Quan điểm của Đảng về công tác dân vận:
Vì vậy, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI ra Nghị quyết số 25-NQ/TW về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Đã đưa ra 5 quan điểm như sau: Quan điểm 1: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ. Quan điểm 2: Động lực thúc đẩy phong trào nhân dân là phát huy quyền làm chủ, đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân; kết hợp hài hòa các lợi ích; quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ công dân; chú trọng lợi ích trực tiếp của người dân; huy động sức dân phải đi đôi với bồi dưỡng sức dân; những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, những gì có hại cho dân thì hết sức tránh. Quan điểm 3: Phương thức lãnh đạo công tác dân vận của Đảng phải gắn liền với công tác xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Mọi quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước phải phù hợp với lợi ích của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu để nhân dân tin tưởng, noi theo. Quan điểm 4: Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Trong đó, Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt. Quan điểm 5: Nhà nước tiếp tục thể chế hóa cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ" thành quy chế, quy định để các tổ chức trong hệ thống chính trị; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thực hiện công tác dân vận; các hình thức tập hợp nhân dân phải phong phú, đa dạng, khoa học, hiệu quả.
Những nhiệm vụ cơ bản của công tác dân vận: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, xây dựng Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân là những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc.” Đồng thời
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI ra Nghị quyết số 25-NQ/TW về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” đã xác định các nhiệm vụ cơ bản của công tác dân vận trong tình hình mới như sau: Thứ nhất: Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, cán bộ; tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc chính đáng của nhân dân; làm cho nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường mối quan hệ máu thịt của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Thứ hai: Nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ Đảng, Nhà nước, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí công tác dân vận trong tình hình mới. Thứ ba: Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của các cơ quan nhà nước. Thứ tư: Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế, giữ vững độc lập chủ quyền, an ninh chính trị. Thứ năm: Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng để tập hợp nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thứ sáu: Quan tâm xây dựng, củng cố tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ Ban Dân vận, Mặt trận, đoàn thể nhân dân các cấp vững mạnh. Thứ bảy: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra và giám sát việc thực hiện công tác dân vận.
Trong những năm qua Đảng bộ Quỳnh Lộc đã tổ chức, động viên nhân dân, hình thành các phong trào hành động thực hiện tốt các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Đảng bộ, chi bộ đã có chủ trương, biện pháp hợp lòng dân; có mục tiêu nhiệm vụ cụ thể, thiết thực; có sự phối hợp đồng bộ trong tổ chức chỉ đạo thực hiện, đặc biệt là sự phối hợp giữa Mặt trận, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội và chính quyền; đã phát động các phong trào quần chúng phù hợp, đáp ứng nguyện vọng, lợi ích của nhân dân. Đẩy mạnh các phong trào đoàn kết, giúp đỡ nhau trong việc phát triển kinh tế hộ, phát triển kinh tế gia trại, xóa đói, giảm nghèo, phát triển hộ giàu; các phong trào nhân đạo, từ thiện, xây dựng nông thôn mới..... Đảng ủy và chính quyền có trách nhiệm  thông tin kịp thời và công khai cho nhân dân biết các quy định của Nhà nước và chính quyền địa phương về thủ tục hành chính giải quyết các công việc có liên quan đến dân; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn và hằng năm; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai; các nghị quyết của hội đồng nhân dân và quyết định của ủy ban nhân dân xã và của cấp trên liên quan đến địa phương; dự toán và quyết toán ngân sách xã hằng năm; dự toán và quyết toán thu, chi các quỹ, dự án, các khoản huy động đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng của xã, thôn và kết quả thực hiện. Lãnh đạo hệ thống chính trị và chính quyền thực hiện công khai cho nhân dân được biết về các công trình, dự án do Nhà nước, các tổ chức và cá nhân đầu tư, tài trợ trực tiếp cho cơ sở; chủ trương, kế hoạch vay vốn phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo. Lãnh đạo thực hiện chủ trương thông báo cho nhân dân được biết về: Kết quả thanh tra, kiểm tra, chủ trương và kết quả thực hiện về công tác văn hóa, xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội; sơ kết, tổng kết hoạt động của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân xã; những việc khác mà chính quyền thấy cần thiết và nhân dân yêu cầu được thông báo. Những hình thức để thông tin công khai cho nhân dân gồm: Bằng văn bản; niêm yết công khai; hệ thống truyền thanh và các tổ chức văn hóa, thông tin, tuyên truyền cơ sở; các cuộc tiếp xúc cử tri; các kỳ họp của hội đồng nhân dân xã, của ủy ban nhân dân xã, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể; các hội nghị, các cuộc họp của thôn; tại cuộc họp sơ kết 6 tháng, tổng kết cuối năm, kiểm điểm hoạt động của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân xã.
Mục tiêu công tác Dân vận trong cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo là: Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác dân vận của Cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp nhằm tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng và cơ quan Nhà nước các cấp trong công tác dân vận chính quyền. Từng bước nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan Nhà nước về công tác dân vận; kỹ năng nghiệp vụ công tác vận động quần chúng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Xây dựng phong cách làm việc của cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp theo hướng “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với nhân dân”. Đẩy mạnh cải cách hành chính, từng bước thựa hiện hiệu quả, cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, mở rộng dân chủ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.

Nguồn tin: quynhloc.gov.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây