Chính sách xã hội (CSXH) là một loại chính sách do Nhà nước ban hành, nhằm điều chỉnh những quan hệ xã hội của con người, giải quyết những vấn đề xã hội đang đặt ra và thực hiện bình đẳng, công bằng, tiến bộ xã hội, phát triển toàn diện con người. Định nghĩa này cho thấy, CSXH là một hệ thống những quy định, quyết định, những biện pháp của các cơ quan nhà nước nhằm điều chỉnh hành vi, hoạt động và quan hệ xã hội nhằm giải quyết những vấn đề xã hội phát sinh trong quá trình phát triển. CSXH cũng có mục tiêu tạo ra động lực phát triển xã hội và phát triển con người. CSXH góp phần làm giảm bớt tình trạng bất bình đẳng xã hội, thực hiện công bằng xã hội, phát triển toàn diện con người. Như vậy, CSXH là một công cụ hữu hiệu của các nhà lãnh đạo, quản lý nhằm tác động vào con người, các chủ thể xã hội, điều chỉnh các quan hệ xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện công bằng, bình đẳng, tiến bộ xã hội.
Vai trò của CSXH: Luôn có mục đích sâu xa và mục đích trực tiếp trong việc giải quyết các vấn đề xã hội; Mục đích sâu xa là thực hiện bình đẳng, công bằng, tiến bộ xã hội và phát triển toàn diện cho mọi con người. Mục đích trực tiếp là trợ giúp những con người, những nhóm xã hội bị những tác động không mong muốn mà tự nhiên và xã hội mang lại, đảm bảo mức sống vật chất và tinh thần tối thiểu cho họ, giúp họ vượt qua khó khăn, thiếu thốn, thiệt thòi khi gặp những tai nạn rủi ro nào đó. Ở một hướng tiếp cận khác, CSXH còn nhằm tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nguồn lực con người, phát triển xã hội bền vững.
Quan điểm của Đảng ta về thực hiện chính sách xã hội trong giai đoạn hiện nay; Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương Đảng khóa XI về “một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020” nêu rõ 5 quan điểm: Không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công và bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Chính sách ưu đãi người có công và an sinh xã hội phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội và khả năng huy động, cân đối nguồn lực của đất nước trong từng thời kỳ; ưu tiên người có công, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Hệ thống an sinh xã hội phải đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân, giữa các nhóm dân cư trong một thế hệ và giữa các thế hệ; bảo đảm bền vững, công bằng. Nhà nước bảo đảm thực hiện chính sách ưu đãi người có công và giữ vai trò chủ đạo trong việc tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia. Đồng thời tạo điều kiện để người dân nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh. Tăng cường hợp tác quốc tế để có thêm nguồn lực, kinh nghiệm trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XII tiếp tục khẳng định: Xây dựng, thực hiện các chính sách phù hợp với các giai tầng xã hội; giải quyết hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc. Gắn kết chặt chẽ chính sách kinh tế với chính sách xã hội, phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Thực hiện tốt chính sách chăm sóc người có công; giải quyết tốt lao động, việc làm và thu nhập của người lao động; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội.; coi trọng chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác dân số - KHHGĐ...; xây dựng gia đình hạnh phúc.
Nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; có chính sách cụ thể phát triển văn hoá đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam.
Trong năm 2022 Đảng ủy chỉ đạo tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, tuyên truyền chào mừng các ngày lễ, ngày tết trọng đại của đất nước, tuyên truyền mừng Đảng, mừng Xuân Nhâm Dần - 2022, kỷ niệm: 47 năm ngày giải phóng Miền Nam (30/4/1975-30/4/ 2022), 136 năm ngày Quốc tết lao động (1/5); 68 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5); 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2022), kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, kỷ niệm 77 năm ngày Cách mạng tháng Tám (19/8) và Quốc khánh (2/9); kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Lê Hồng Phong (6/9); kỷ niệm 92 năm Ngày Xô Viết - Nghệ Tĩnh (12/9),... Trong năm, treo mắc được 125 lượt băng rôn tuyên truyền, phát động nhân dân treo cờ tổ quốc đạt 90% chào mừng các ngày lễ, tết. Bình xét các danh hiệu văn hóa năm 2022: có 80,1% số hộ được công nhận GĐVH năm 2022; chấm điểm 11/11 thôn đủ điểm lập hồ sơ đề nghị thị xã công nhận thôn văn hóa; khen thưởng 46 hộ gia đình văn hóa tiêu biểu giai đoạn 2020-2022. Thực hiện 405 lượt tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kinh tế - xã hội địa phương, chú trọng tuyên truyền tiêm vắc xin phòng chống dịch bệnh covid-19, phòng dịch sốt xuất huyết, tuyên truyền chăm sóc sức khỏe, an toàn thực phẩm, phòng chống pháo nổ, cháy rừng, vệ sinh môi trường, trật tự an toàn giao thông, tuyên truyền chuyển đổi số, sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi bậc THCS đạt 50%, học sinh xuất sắc bậc Tiểu học đạt 21%, Mầm non thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục và nuôi dưỡng trẻ. Giáo viên, học sinh đạt thành tích trong các kỳ thi giỏi các cấp: trường THCS có 22 lượt em đạt giỏi cấp thị, 02 em đạt giỏi cấp tỉnh. Giáo viên giỏi cấp tỉnh bậc tiểu học có 1 giáo viên trường Tiểu học B, bậc Mầm Non có 1 giáo viên. Hội khuyến học xã phối hợp các tổ chức, đơn vị trao quà khuyến học cho học sinh, giáo viên giỏi các cấp, học sinh nghèo vượt khó học giỏi trong năm học, với tổng kính phí khen thưởng cho năm học là hơn 80 triệu đồng (từ các công ty, doanh nghiệp, các tổ chức), trong đó trích từ quỹ khuyến học xã là 30 triệu đồng). Tổng số lượt khám bệnh năm 2022 là 3483 lượt. Trong đó: khám y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại 1120 lượt; khám trẻ em dưới 6 tuổi 684 lượt; trẻ em dưới 15 tuổi 871 lượt; người trên 60 tuổi 1491lượt. Tổ chức tiêm chủng định kỳ hàng tháng cho các đối tượng trẻ trong diện tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn. Kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19. Số bệnh nhân mắc Covid trong kỳ báo cáo là: 2075; Tổng sinh trong năm là 182 cháu. Trong đó có: 89 cháu trai, 93 cháu gái. Sinh lần 3 trở lên 55 cháu. Sàng lọc sơ sinh 6 cháu. Tổ chức triển khai kế hoạch truyền thông dân số - kế hoạch hóa gia đình được 02 đợt, khám phụ khoa 147 trường hợp; điều trị phụ khoa 85; Cấy tránh thai 2 trường hợp; Đặt vòng 22 trường hợp. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ Người có công, an sinh xã hội nhân dịp Tết nguyên đán Nhâm Dần. Tổng số quà Tết Trung ương: 35.400.000 đồng, quà tết Thị xã: 61.200.000 đồng, trích ngân sách xã và các nguồn xã hội hóa tặng quà tết với tổng số tiền: 15.800.000 đồng. Quỹ thiện tâm tặng quà cho 03 đối tượng thương binh, bệnh binh có tỷ lệ mất sức từ 81% trở lên, trị giá mỗi suất quà: 15.000.000 đồng. Thường xuyên quan tâm, thăm hỏi các đối tượng Người có công già yếu, ốm đau thường và thăm viếng thương binh qua đời. Lập hồ sơ đề nghị giải quyết mai táng phí cho 09 đối tượng, trong đó đã giải quyết được 04 trường hợp với tổng số tiền: 59.600.000 đồng. Giải quyết kịp thời và đúng theo quy định các ý kiến của đối tượng liên quan đến thực hiện các chính sách. Lập ưu đãi giáo dục định kỳ hàng năm, thực hiện điều dưỡng năm 2022 trong đó: 9 đối tượng đi điều dưỡng tập trung, 21 đối tượng điều dưỡng tại nhà. Cuối năm 2022, trên địa bàn xã có: 51 hộ nghèo chiếm 1,65%; 93 hộ cận nghèo chiếm 3%. Nhân dịp tết Nguyên Đán Nhâm Dần, các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thiếu đói, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn đều được lãnh đạo các cấp thăm hỏi, động viên, tặng quà tết. Tổng số tiền vận động, xã hội hóa: 149.610.000 đồng. Tiếp tục tổ chức triển khai rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022. Ngân sách tỉnh tặng quà tết cho 61 hộ nghèo với tổng số tiền: 9.150.000 đ; Lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền điện quý I/2022. Báo tăng 08 người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, 06 người cao tuổi đủ 80 tuổi, 11 hồ sơ đề nghị tăng mới cho đối tượng đơn thân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; tổ chức được 02 buổi xác định, xác định lại mức độ khuyết tật cho các đối tượng, đảm bảo thực hiện kịp thời và đầy đủ các chế độ theo quy định. Tổ chức chúc thọ, mừng thọ cho các cụ đủ 70, 75, 80, 85, 90, 95, 100, trên 100 tuổi, với tổng số tiền: 22.500.000 đồng; thăm và tặng quà trị giá: 1.200.000 đ cho cụ Phạm Đào, địa chỉ thôn 1, tròn 100 tuổi. Thăm và tặng quà các đối tượng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết nguyên đán Tân Sửu, tổng số tiền: 8.800.000 đồng. Tổng số tiền tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong học tập nhân tháng hành động vì trẻ em năm 2022: 10.200.000 đồng. 11/11 thôn trên địa bàn tổ chức Tết trung thu đảm bảo thời gian quy định. Có 42 trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được nhận quà nhân dịp Tết trung thu với tổng số tiền : 25.060.000 đồng. Tổng kinh phí tổ chức trung thu trên địa bàn : 141.875.000 đồng (trong đó trích ngân sách UBND xã : 5.500.000 đồng) với sự tham gia hơn 4.400 trẻ em. Nhân dịp Tết trung thu, UBND xã trích ngân sách xã tặng quà khuyến học cho hơn 469 trẻ em với tổng số tiền : 16.500.000 đồng. Tập đoàn Juteng tặng 10 chiếc xe đạp trị giá 2.000.000 đồng/xe và 45 suất quà cho học sinh nghèo, cận nghèo, khó khăn vượt khó trong học tập với tổng số tiền : 54.000.000 đồng nhân dịp khai giảng năm học mới. Tập đoàn Viettel tặng 10 suất học bổng, mỗi suất trị giá : 2.000.000 đồng. Quyết định thành lập 06 lớp nghề điện tử sơ cấp với 210 học viên tham dự, trong đó 01 lớp đã hoàn thành, 02 lớp đang học và 03 lớp đang chờ trường TC – KT Hồng Lam mở dạy. Tổ chức được 01 buổi hội nghị về tư vấn và giới thiệu người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, 01 buổi tuyển dụng lao động. Năm 2022, có hơn 250 người được giải quyết việc làm, trong đó có 24 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, vượt kế hoạch đề ra.
Nội dung lãnh đạo thực hiện một số chính sách xã hội nhằm giải quyết một số vấn đề xã hội cấp bách hiện nay ở xã. Lãnh đạo thực hiện chính sách đối với người có công; Lãnh đạo thực hiện chính sách dân số; Lãnh đạo đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội (TNXH); Lãnh đạo thực hiện có hiệu quả chính sách giải quyết việc làm; Lãnh đạo thực hiện chính sách xã hội về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin; Lãnh đạo thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo; Lãnh đạo thực hiện chính sách đối với người có hoàn cảnh khó khăn.
Lãnh đạo thực hiện chính sách đối với người có công: Tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến chính sách đối với người có công theo quan điểm của Đảng ta trong giai đoạn 2020-2025. Xây dựng kế hoạch cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực thực hiện chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức làm chính sách đối với người có công. Tiếp tục tăng cường sự phối, kết hợp giữa các ngành và chính quyền địa phương các cấp trong việc thực hiện chính sách đối với người có công. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm việc thực hiện chính sách người có công với cách mạng. Tham mưu, đề xuất kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, hướng dẫn thống nhất trong việc thực hiện chế độ chính sách ưu đãi người có công có công với cách mạng phù hợp.
Lãnh đạo thực hiện chính sách dân số: Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ trương, đường lôi của Đảng, chính sách, pháp luât của Nhà nước. Nội dung giáo dục phải chuyển mạnh sang chính sách dân số và phát triển. Thông qua các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, các tổ chức đoàn thể chủ trì và phát động lồng ghép nội dung tuyên truyền, vận động về dân số đến các hội viên, đoàn viên và quần chúng nhân dân. Đổi mới toàn diện và đa dạng hóa các hình thức, phương pháp truyền thông đặc biệt là truyền thông trực tiếp tại cộng đồng để tạo sự thống nhất, đồng thuận và đạt hiệu quả cao trong thực hiện các chương trình về dân số. Nghiên cứu và tham gia để hoàn thiện chính sách, pháp luật về dân số gắn với xây dựng gia đình hạnh phúc. Nâng cao hiệu lực pháp lý trong quản lý và tổ chức thực hiện, bảo đảm đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người dân, triển khai toàn diện các nội dung của công tác dân số trên địa bàn. Chú trọng công cử đi tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, thực hiện chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số đáp ứng yêu câu chuyên hướng sang chính sách dân số và phát triển. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, cung cấp dịch vụ; tạo thuận lợi cho người dân.
Lãnh đạo đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội (TNXH): Phòng, chống TNXH là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và lâu dài của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới cơ sở. Đảng, Nhà nước xác định, phát triển kinh tế phải gắn với giải quyết các vấn đề xã hội, đảm bảo công bằng, tiến bộ xã hội. Chú trọng các biện pháp phòng ngừa xã hội ngay từ trong mỗi gia đình, cộng đồng dân cư. Tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt để đổi mới công tác quản lý, điều hành của chính quyền, đồng thời, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác phòng, chống TNXH. Tiếp tục bồi dưỡng năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, tư vấn viên, tình nguyện viên ở cơ sở; từng bước tập trung đổi mới phương pháp, cách thức phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống TNXH. Phát huy vai trò của các cơ quan, đơn vị trường học, gia đình, tổ dân cư...; lực lượng công an xã, các lực lượng chức năng chuyên môn trên địa bàn trong công tác tuyên truyền, giáo dục, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các hoạt động vi phạm pháp luật về phòng, chống TNXH trên địa bàn.
Lãnh đạo thực hiện có hiệu quả chính sách giải quyết việc làm: Thực hiện các giải pháp về đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”; Quyết định số 52-2012-QĐ-TTg ngày 16/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về “chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp”. Thực hiện Quyết định số 46-2015-QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho đối tượng người học là phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật tham gia học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Tăng cường năng lực quản lý của chính quyền về lĩnh vực lao động, việc làm. Nâng cao năng lực công tác quy hoạch và xây dựng kế hoạch cho cán bộ về việc làm, dạy nghề, xuất khẩu lao động phù hợp với điều kiện của từng địa phương và kinh tế thị trường, nhất là cấp xã. Đơn giản hóa các thủ tục hành chính, minh bạch hóa quá trình quản lý, giảm các khâu trung gian trong việc thực hiện các chương trình, dự án việc làm, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động… Bảo đảm sự lãnh đạo và tăng cường sự quan tâm thường xuyên của Đảng ủy cấp xã, đưa chương trình việc làm, dạy nghề, xuất khẩu lao động vào Nghị quyết của Đảng ủy và Nghị quyết Hội đồng nhân dân cấp xã. Đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội cấp xã.
Lãnh đạo thực hiện chính sách xã hội về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý của cấp ủy, chính quyền, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong việc thực hiện các chương trình, chính sách bảo đảm an sinh xã hội. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong chỉ đạo và thực hiện. Xây dựng Báo cáo kết quả công tác hằng năm của cấp ủy và chính quyền về thực hiện chính sách xã hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân, xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử về chính sách ưu đãi người có công và chính sách an sinh xã hội tại mỗi địa phương để người dân có thể truy cập dễ dàng.
Lãnh đạo thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo: Lãnh đạo thực hiện xã hội hóa nguồn lực xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn gắn với nâng cao năng lực và điều kiện làm việc cho đội ngũ cán bộ cơ sở để đáp ứng yêu cầu công việc. Cấp ủy cần năng động, sáng tạo để vận dụng chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc ưu tiên tiên thực hiện chính sách giảm nghèo.
Lãnh đạo thực hiện chính sách đối với người có hoàn cảnh khó khăn: Lãnh đạo đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển dịch vụ, thương mại, thị trường nhằm nâng cao mức sống của người dân. Coi đây là giải pháp căn cơ, lâu dài. Vận dụng tốt những điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách khi mà hệ thống pháp luật, chính sách, các chương trình, đề án về chăm sóc, trợ giúp các đối tượng yếu thế tiếp tục được hoàn chỉnh, tạo điều kiện cho các đối tượng yếu thế tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hộ nghèo,... đã được các địa phương đưa vào Nghị quyết của các cấp ủy Đảng, HĐND các cấp. Chủ động lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện các biện pháp bảo đảm cho người dân tiếp cận đến các chính sách việc làm, giảm nghèo, tham gia bảo hiểm xã hội, hỗ trợ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người cao tuổi thu thập thấp, người khuyết tật nặng, người neo đơn...), tăng cường các dịch vụ xã hội cơ bản ở mức tối thiểu (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin), từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng của nhân dân.
Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XIII xác định mục tiêu về xã hội: Đến năm 2025, tỉ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%; tỉ lệ lao động qua đào tạo là 70%; tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị năm 2025 dưới 4%; tỉ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 - 1,5% hằng năm; có 10 bác sĩ và 30 giường bệnh/1 vạn dân; tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; tuổi thọ trung bình đạt khoảng 74,5 tuổi; tỉ lệ xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới tối thiểu 80%, trong đó ít nhất 10% đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.