Cần nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND xã Quỳnh Lộc

Chủ nhật - 04/12/2022 08:21
Cần nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND xã Quỳnh Lộc
Tiếp xúc cử tri (TXCT) là một nhiệm vụ quan trọng, là hoạt động đặc thù của cơ quan dân cử, một hoạt động không thể thiếu trước và sau mỗi kỳ họp của đại biểu HĐND. Trách nhiệm TXCT của đại biểu HĐND đã được quy định cụ thể tại điều 94, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.
Thông qua tiếp xúc cử tri, mối quan hệ giữa đại biểu HĐND với cử tri với nhân dân ngày càng được gắn bó, thắt chặt hơn, đồng thời, những bức xúc từ cuộc sống, những ý kiến, kiến nghị chính đáng được cử tri gửi gắm cho đại biểu sẽ được đại biểu chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Trong thời gian qua, hoạt động TXCT trên địa bàn xã Quỳnh Lộc ngày càng được đổi mới, đi vào nền nếp, thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm; mối quan hệ giữa đại biểu dân cử và cử tri ngày càng được củng cố, gắn bó chặt chẽ. Đại biểu dân cử ngày càng tăng cường hơn vai trò, trách nhiệm của mình trước cử tri và nhân dân.
Cử tri và nhân dân trên địa bàn xã có ý thức cao hơn trong việc tham gia các buổi TXCT, đề đạt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của mình với các cấp ủy Đảng, chính quyền và tham gia đóng góp ý kiến xây dựng nhằm phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng ở địa phương.
Sau khi kết thúc các cuộc tiếp xúc cử tri, những ý kiến không giải trình được, tổ đại biểu HĐND xã tổng hợp những ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền để gửi Thường trực HĐND xã tổng hợp chung.  
Thường trực HĐND tổ chức hội nghị với sự tham gia của đồng chí Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch UBMT xã, lãnh đạo các ban HĐND, Văn phòng HĐND và UBND, để thông qua báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri. Sau hội nghị Thường trực HĐND xã hoàn chỉnh báo cáo gửi UBND xã và các bộ phận chuyên môn giải quyết. Báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri phải đảm bảo đầy đủ, trung thực, có chọn lọc và có tính khái quát cao, tránh trùng lặp, thể hiện được tiếng nói của cử tri.
Về cơ bản mọi vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị đều được tổng hợp, phân loại và chuyển tới các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, giải quyết. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND xã chỉ đạo rà soát, tổng hợp, lựa chọn  ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền của xã gửi UBND và các ngành liên quan nghiên cứu, giải quyết và phản hồi thông tin cho cử tri.
Các bộ phận chuyên môn khi nhận được ý kiến, kiến nghị của cử tri đã khẩn trương xem xét, nghiên cứu trả lời cử tri với thái độ nghiêm túc, có trách nhiệm. Tỷ lệ các ý kiến, kiến nghị được giải quyết thỏa đáng tăng lên đáng kể, đáp ứng được phần lớn những yêu cầu, nguyện vọng của cử tri, hạn chế tình trạng người dân lợi dụng dân chủ trong tiếp xúc để thực hiện khiếu nại, tố cáo cá nhân, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử.
Nhiều ý kiến cử tri kiến nghị nhiều lần, qua nhiều năm đã được giải quyết một cách thấu đáo, tháo gỡ được những khó khăn, bức xúc, đáp ứng lòng mong đợi của cử tri và nhân dân. Kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri đã góp phần từng bước nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã.
Mặc dù đã cố gắng để đổi mới nhưng hoạt động TXCT của đại biểu HĐND xã Quỳnh Lộc vẫn còn nhiều hạn chế đó là:
Về hình thức tổ chức các cuộc TXCT thường chỉ được tổ chức trước kỳ họp; số cuộc TXCT, thời gian gặp gỡ cử tri hàng năm của đại biểu chưa được nhiều, thường chỉ là TXCT theo định kỳ trước mỗi kỳ họp HĐND.
Việc TXCT nơi làm việc, nơi cư trú, TXCT theo chuyên đề, theo từng lĩnh vực còn hạn chế chưa thực hiện tốt.
Đối với đại biểu HĐND xã một số đại biểu chưa chuẩn bị chu đáo các nội dung cần thiết cho cuộc tiếp xúc cử tri. Tình trạng các cuộc tiếp xúc cử tri còn mất nhiều thời gian cho việc trình bày các báo cáo theo đề cương.
Trong các buổi TXCT, Đại biểu HĐND chỉ thuần túy là người truyền tin và nhận tin, chứ chưa thực sự làm tốt công tác tuyên truyền vận động, cũng như chưa khơi gợi được những ý kiến đóng góp, hiến kế của cử tri trong việc đề ra các giải pháp hữu hiệu để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Về trách nhiệm của các bộ phận chuyên môn phụ trách: Việc giải trình, tiếp thu ý kiến của cử tri của một số cán bộ chuyên môn ở địa phương có nhiều lúc vẫn còn lúng túng, chưa đáp ứng yêu cầu. Trên thực tế vẫn còn tình trạng một số cán bộ chuyên môn chưa thực hiện tham mưu đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc xem xét, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri.  
Để tiếp tục thực hiện tốt hoạt động TXCT trên địa bàn xã cần phải thực hiện tốt các nội dung sau:
Thứ nhất: Đối với Thường trực HĐND xã:
Cần có sự phối hợp tốt với UBMTTQVN xã để thực hiện tốt kế hoạch tiếp xúc cử tri. Xây dựng kế hoạch TXCT phù hợp, kế hoạch TXCT phải được xây dựng sớm để có thời gian chuẩn bị chu đáo.  
Tăng cường hoạt động tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực. Căn cứ vào nội dung từng kỳ họp để lựa chọn hình thức, địa điểm và thành phần cử tri tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri cho phù hợp và có hiệu quả. Có thể tổ chức tiếp xúc với tất cả cử tri hoặc chỉ tiếp xúc cử tri theo lĩnh vực, ngành nghề mà HĐND dự kiến sẽ thảo luận, quyết định những vấn đề liên quan. 
Chỉ đạo văn phòng HĐND &UBND chuẩn bị tốt đề cương và các tài liệu có liên quan để cung cấp cho đại biểu nghiên cứu trước khi tiếp xúc cử tri. Chỉ đạo các tổ đại biểu chọn lọc, phân loại ý kiến cử tri, tổng hợp gửi về Thường trực HĐND đúng quy định.             
Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri phải đảm bảo đầy đủ, chính xác. Cần quan tâm đến những vấn đề bức xúc, những vấn đề đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.
Chuyển ý kiến kiến nghị của cử tri đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết; việc phân loại, chuyển ý kiến, kiến nghị tới đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết sẽ giúp cho việc giải quyết ý kiến, kiến nghị nhanh hơn, chính xác hơn, góp phần tạo dựng lòng tin của nhân dân đối với chính quyền.
Thường xuyên theo dõi, phân công các ban HĐND giám sát, đôn đốc việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri của UBND xã.
Thứ hai: Đối với UBMTTQVN xã:
Cần tăng cường thông báo công khai về thời gian, địa điểm tiếp xúc cử tri; mở rộng thành phần cử tri tham dự để nghe được nhiều ý kiến của cử tri hơn, nhằm khắc phục tình trạng cử tri chuyên nghiệp; tuyên truyền vận động nhân dân tham dự các cuộc tiếp xúc cử tri đầy đủ.
Chủ trì, điều hành tổ chức tốt các cuộc tiếp xúc cử tri trên địa bàn xã có hiệu quả. Thành công của hội nghị tiếp xúc cử tri phụ thuộc rất lớn vào vai trò điều hành của Thường trực Ủy ban MT xã, vì vậy công tác điều hành hội nghị tiếp xúc cử tri phải cần được chú trọng. Người điều hành phải am hiểu pháp luật, có năng lực tổ chức, nắm được yêu cầu nội dung, trình tự và nhiệm vụ cụ thể do hội nghị đặt ra; phải biết xử lý nhạy bén, linh hoạt, gợi ý cho cử tri phát biểu đúng trọng tâm, trọng điểm vào nội dung và chương trình đã được thông qua; khơi gợi được sự đóng góp hiến kế của cử tri đối với việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương.
Thứ ba: Đối với đại biểu HĐND:
Nâng cao hơn nữa trách nhiệm, kỹ năng, năng lực của đại biểu HĐND  trong hoạt động tiếp xúc cử tri. Đại biểu HĐND cần phải có ý thức, coi việc tiếp xúc cử tri là trách nhiệm, là nhiệm vụ thường xuyên của người đại biểu dân cử, gắn với các hoạt động công tác chuyên môn cũng như trong các mối quan hệ giữa đại biểu với đồng nghiệp nơi công tác và với cử tri nơi cư trú.
Tùy theo điều kiện cụ thể, đại biểu HĐND có thể trực tiếp gặp gỡ, liên hệ với cử tri để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri và những vấn đề mà đại biểu quan tâm, liên hệ với cá nhân, nhóm cử tri thông qua các hình thức trực tiếp hoặc thông qua các kênh thông tin tiếp nhận, thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri. Mỗi đại biểu dân cử, phải chủ động, linh hoạt, tiếp tục tìm tòi, có sáng kiến đổi mới công tác TXCT cho phù hợp thực tiễn công tác.
Đại biểu  không chỉ tham gia đủ các cuộc tiếp xúc với cử tri mà còn phải  lồng ghép việc tuyên truyền, giải thích chính sách, pháp luật cho người dân để họ hiểu và tuân thủ; Ý kiến, kiến nghị của cử tri phải được tiếp thu, giải thích rõ ràng.
Không chỉ tiếp thu và chuyển kiến nghị tới các cơ quan hữu quan giải quyết, Đại biểu cần phải đeo bám, giám sát để đôn đốc cho đến khi vấn đề được giải quyết thỏa đáng để trả lời cử tri trong những cuộc tiếp xúc sau, đây là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động TXCT của đại biểu.
Thứ tư. Đối với UBND xã:
Mỗi điểm tiếp xúc cần phải có sự tham gia của lãnh đạo chủ chốt địa phương đặc biệt là lãnh đạo UBND xã để trực tiếp trả lời kiến nghị của cử tri. Nâng cao hơn nữa trách nhiệm giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Khi nhận được ý kiến, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của cử tri chuyển đến, các cơ quan có thẩm quyền phải khẩn trương xem xét, trả lời thẳng vào vấn đề, không để chậm trễ, kéo dài, không giải thích, giải trình hoặc trả lời vòng vo, né tránh. Đối với những ý kiến, kiến nghị mà việc giải quyết cần có thời gian dài thì nội dung trả lời phải nêu rõ phương hướng và lộ trình giải quyết. Đối với những vấn đề chưa có điều kiện giải quyết, cần giải thích rõ, không từ chối, né tránh.
Đối với những vấn đề cử tri có ý kiến, kiến nghị thuộc phạm vi trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan, UBND phải có sự phối hợp, bàn bạc để cùng nhau giải quyết, không để kéo dài, gây thêm bức xúc cho cử tri.  
Mong rằng hiệu quả công tác tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND cấp xã sẽ ngày càng có chất lượng cao hơn.
 

Tác giả bài viết: Lê Trường

Nguồn tin: quynhloc.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Các tin khác

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây