Trang thông tin điện tử xã Quỳnh Lộc

https://quynhloc.gov.vn


Cán bộ xã Quỳnh Lộc với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Cán bộ, đảng viên đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị có vai trò hết sức quan trọng trong lãnh đạo, quản lý, tổ chức và điều hành mọi công việc, mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước,…..Do vậy, việc phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị là vấn đề hết sức cần thiết.
Nhận thấy nêu gương là việc thực hành để những giá trị của đạo đức và tài năng của người lãnh đạo được lan tỏa, truyền cảm hứng; qua đó dẫn dắt, thúc đẩy mọi hành động của cấp dưới và người dân. Sự nêu gương của người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị là mệnh lệnh không lời để thuyết phục cấp dưới noi theo. Sự yếu kém về nhân cách và phong cách lãnh đạo của người đứng đầu sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy xấu cho hoạt động của cơ quan đơn vị.
Để nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, nâng cao tinh thần, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu, khắc phục hạn chế, yếu kém của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Trước hết mỗi cán bộ, đảng viên phải tiên phong, gương mẫu, đi đầu trong mọi việc. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng phương pháp nêu gương để giáo dục cán bộ, đảng viên, làm gương cho nhân dân noi theo; để giáo dục và học tập lẫn nhau cùng xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức, xây dựng con người mới, cuộc sống mới văn minh, tiến bộ.
Để nêu gương, thì trước hết bản thân mình phải làm gương trong mọi việc từ nhỏ đến lớn, trở thành phong cách, thói quen tự nhiên trong cuộc sống hằng ngày. Điều đó không thể tự nhiên mà có, mà phải do chính người cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện hằng ngày, thông qua quá trình phấn đấu không ngừng mới có được. Người nhiều lần nhắc nhở cán bộ, đảng viên “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên và đoàn viên thanh niên “Phải làm gương mẫu trong lao động sản xuất và học tập”; “Phải xung phong gương mẫu trong mọi công việc, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân”; “Phải gương mẫu, phải thiết thực, miệng nói tay làm để làm gương cho nhân dân”. Người chỉ rõ: Để mọi người noi gương thì bản thân cán bộ, đảng viên phải là “Người tốt, việc tốt”, phải là “Tấm gương tốt” về mọi mặt trong đời sống xã hội và trong công tác, thực sự Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư.
Nêu gương theo Người là phương pháp tốt nhất vận động quần chúng, tập hợp quần chúng. Quần chúng nhìn cán bộ, đảng viên tiên phong làm trước, phấn đấu hi sinh vì mục tiêu cách mạng cao cả, họ sẽ tự giác nghe theo, tin và làm theo. Vì “Đối với các dân tộc phương đông giàu tình cảm, thì một tấm gương sống, còn có giá trị hơn một tram bài diễn văn tuyên truyền”.
Lãnh đạo bằng nêu gương giữ vai trò hết sức quan trọng, góp phần vào cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân – kẻ thù của đạo đức cách mạng, chống những nguy cơ suy thoái của cán bộ, đảng viên, nguy cơ đánh mất vai trò lãnh đạo của Đảng cầm quyền. Trong công cuộc đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về nêu gương trong tình hình mới, thì vấn đề thực hiện trách nhiệm nêu gương của người lãnh đạo luôn được Đảng ta chú trọng ban hành các quy định cụ thể.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, chuyên đề toàn khóa “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Tỉnh ủy Nghệ An ban hành Kế hoạch số 80-KH/TU ngày 7/3/2022 về xây dựng cbuyên đề hằng năm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, triển khai từ năm 2022 đến 2025. Theo đó Ban Thường Vụ Tỉnh ủy xác định chuyên đề đầu tiên trong nhiệm kỳ là “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ để xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự tiên phong, gương mẫu, có đạo đức cách mạng trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển”. Đảng ủy xã Quỳnh Lộc xác định nội dung học tập phong cách lãnh đạo bằng nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để thực hiện xuyên suốt vì: Để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, đội ngũ cán bộ, đảng viên rèn luyện bản lĩnh chính trị và từng bước nâng cao thông qua thử thách bền bỉ, thường xuyên và lâu dài trong thực tiễn, qua những thử thách cam go khi đứng trước những vấn đề gay cấn, phức tạp nảy sinh trong thực tiễn, cán bộ phải biết vận dụng sáng tạo những kiến thức lý luận đã học vào thực tiễn, giải quyết đúng đắn những vấn đề nảy sinh, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Thực tiễn là “trường học” tốt nhất để củng cố phát triển và nâng cao bản lĩnh chính trị của cán bộ. Thực tế cho thấy sự rèn luyện, thử thách trong thực tiễn, sự đối mặt với những khó khăn, thách thức
Trong thời kỳ đổi mới hiện nay, đội ngũ cán bộ tuy không phải trực tiếp đối mặt với kẻ thù tàn bạo, phản động, tội phạm, song họ lại phải đối mặt với những tác động, thử thách không hề nhỏ. Đó là những cám dỗ của tiền tài, vật chất, tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, quá trình mở cửa, sự cám dỗ của địa vị, quyền lực, sự lôi kéo, mua chuộc của các thế lực thù địch, phản động với âm mưu thủ đoạn rất thâm độc, xảo quyệt hòng làm cho người cán bộ suy giảm hoặc đánh mất bản lĩnh chính trị gây thiệt hại cho Đảng và sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc.  Phong cách Hồ Chí Minh dù là phong cách của vị lãnh tụ tối cao, nhưng rất  gần gũi “cao mà không xa, mới mà không lạ, chói sáng mà không gây choáng ngợp, gặp lần đầu mà như thân thuộc từ lâu”.  Trong suốt cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh hết lòng hết sức phục vụ Tổ Quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Người là hiện thân tấm gương mẫu mực, cao cả nhưng vô cùng gần gũi, nên bất cứ ai cũng có thể học, cũng có thể làm theo. Mỗi cán bộ phải rèn luyện để trở thành một tấm gương nhỏ trong tấm gương lớn tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tại Quỳnh Lộc đã sớm thực hiện các quy định về nêu gương, thực hiện đạo đức công vụ, phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo, kèm theo các yêu cầu bắt buộc. Các tiêu chí về nêu gương, đạo đức công vụ cụ thể, rõ ràng và khả thi, có thể thực hiện theo, có thể kiểm tra, đánh giá, có thể theo dõi, giám sát. Từ những quy định nhỏ về tôn trọng giờ giấc làm việc, hội họp; quy định về xưng hô với nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp quy định về trang phục công sở... Trong các tiêu chí cần đặc biệt quan tâm tới mối quan hệ với nhân dân, trên cả 2 phương diện: nhân dân là đối tượng được phục vụ, “nhân dân là khách hàng” để phục vụ và nhân dân là chủ thể giám sát, kiểm tra, theo dõi thực hành công vụ. Xác định rõ, những nội dung nào cần phải công khai, minh bạch, đảm bảo yêu cầu phát huy dân chủ trong thực hành công vụ.  Tinh thần, thái độ, sự tận tụy với công việc đã được lượng hóa thành các quy định cụ thể như: không giới hạn thời gian tiếp nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp trước khi hết giờ làm việc... Đồng thời có những quy định để ràng buộc giữa lời nói và hành vi của cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm nói đi đôi với làm, nói thì phải làm và làm cho tốt. Nếu nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, nói một đường làm một nẻo thì người cán bộ, công chức, viên chức phải bị xử lý kỷ luật. Công tác nêu gương trong cải cách hành chính không ngừng được quan tâm, ý thức của cán bộ, công chức về tầm quan trọng của nêu gương trong cải cách hành chính được nâng cao hơn, thủ tục hành chính được niêm yết công khai đầy đủ, kịp thời, thuận tiện cho người dân trong việc tìm hiểu, Rút ngắn thời gian giải quyết được  thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền, công chức chuyên môn thực hiện nghiêm việc trực giải quyết thủ tuch hành chính theo cơ chế một cửa, hướng dẫn hồ sơ cụ thể, cán bộ, công chức xã khai thác hiệu quả phần mềm quản lý văn bản và điều hành VNPTIoffice để tiếp nhận và xử lý, gửi văn bản; giảm thiểu được thời gian, chi phí gửi nhận văn bản, trang thông tin điện tử xã hoạt động có hiệu quả.
  Theo Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên đều phải làm gương trong mọi công việc, từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên về mọi mặt; phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nói phải đi đôi với làm. Người yêu cầu tất cả cán bộ, đảng viên đều phải nêu gương về đạo đức. Trước hết, mình phải tự làm gương, cán bộ “gắng làm gương trong anh em, và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân”. Người nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức.Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Tự mình phải chính trước mới giúp người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý.
          Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là phẩm chất đạo đức cách mạng chủ yếu, là nhân cách của con người. Người viết: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.Thiếu một mùa, thì không thành trời, Thiếu một phương, thì không thành đất. Thiếu một đức thì không thành người”. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là một nội dung cơ bản không thể thiếu trong phong cách làm việc và nhân cách của những người lãnh đạo, quản lý. Trong bản Di chúc thiêng liêng, Người căn dặn tất cả các cán bộ, đảng viên: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, Thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”.         
Theo Hồ Chí Minh, kẻ thù của lòng chí công vô tư chính là chủ nghĩa cá nhân, chỉ thấy lợi ích riêng của mình, không thấy lợi ích chung của tập thể, chỉ muốn tự tư tự lợi. Phải khắc phục chủ nghĩa cá nhân có trong mỗi người cán bộ đảng viên thì mới có thể có phong cách làm việc cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đó là cơ sở để hình thành hành vi đạo đức đúng đắn, một tâm hồn hướng thượng: “Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy lực không thể khuất phục”.          
Cần nêu gương trên ba mối quan hệ với mình, với người, với việc. Đối với mình phải không tự cao tự đại, tự mãn, kiêu ngạo, luôn học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân; phải tự phê bình mình như rửa mặt hằng ngày. Đối với người, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, không dối trá, lừa lọc, khoan dung, độ lượng. Đối với việc, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ nguyên tắc “dĩ công vi thượng”, đặt việc công lên trên, lên trước việc tư.
          Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, muốn nêu gương được thì nói phải đi đôi với làm. Nói đi đôi với làm không chỉ là một chuẩn mực trong đạo đức truyền thống mà còn là chuẩn mực đạo đức công vụ tối thiểu. Với cán bộ, đảng viên, sự thống nhất chặt chẽ giữa nói và làm, giữa đạo đức và nêu gương đạo đức cần đạt tới sự nhất quán trong công việc và trong đời sống riêng, giữa đạo đức người lãnh đạo và đạo đức đời thường. Địa vị càng cao, uy tín càng lớn, càng phải ra sức hoàn thiện về đạo đức, thống nhất giữa nói và làm. Người đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống, trong mọi lúc, mọi nơi, nói phải đi đôi với làm để quần chúng noi theo. Việc nói đi đôi với làm mang lại cho quần chúng lòng tin và sự tôn trọng đối với người cán bộ, do đó, người cán bộ dễ dàng thực thi quyền lãnh đạo của mình. Người phê phán những cán bộ “Chỉ biết nói là nói, nói giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác. Nhưng một việc gì thiết thực cũng không làm được”. Nhân dân không bao giờ tin cậy những cán bộ nói mà không làm, nói nhiều làm ít, nói hay làm dở, nói một đàng làm một nẻo. Muốn rèn luyện được phong cách nói đi đôi với làm, người cán bộ phải thường xuyên tự kiểm điểm, soi xét chính mình, đồng thời phải khuyến khích cấp dưới và quần chúng nhận xét, phê bình, góp ý cho mình, nhắc nhở mình về những điều mình đã hứa. Người cán bộ cũng phải biết tránh căn bệnh hình thức, bệnh “hữu danh, vô thực”, chạy theo những thứ hào nhoáng bên ngoài.
            Trong gia đình, cha mẹ phải là tấm gương cho các con, anh chị là tấm gương đối với các em. Trong nhà trường, thầy giáo, cô giáo là tấm gương cho học trò. Trong cơ quan, tổ chức thì cán bộ lãnh đạo là tấm gương cho cấp dưới, người này có thể nêu gương cho người khác. Trong cuộc sống hằng ngày, người cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm tự tu dưỡng tốt để trở thành con người có đời tư trong sáng, làm tấm gương giúp nhân dân nhìn vào đó mà nói theo, qua đó mà làm tăng thêm những điều đúng, điều thiện, chống lại thói hư, tật xấu.
          Để tuyên truyền, giáo dục bằng nêu gương đạt kết quả cao, Hồ Chí Minh chủ trương: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới". Người khẳng định: “Người tốt, việc tốt nhiều lắm, để mọi người học tập, làm theo, lan tỏa cái tốt, cái đẹp trong xã hội.
 
 

Tác giả bài viết: Trương Kiên

Nguồn tin: quynhloc.gov.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây